-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bạn là Sói hay là Dê?
Ngày đăng: 23/06/2022
Khi ở giữa những cuộc vui sôi động, tôi từng nghĩ thế này: “Mình là một con dê, giữa bữa tiệc của bầy sói”. Con dê hay được đánh giá là nhỏ bé, nhút nhát, hiền lành. Con sói lại bị cho là to lớn, mạnh bạo, gian ác. Nhưng cuộc sống này có đơn giản như vậy không nhỉ? Bản thân cách diễn đạt “được” hay “bị” cũng mang nặng cảm tính và thiên kiến.
Cuốn Ehon “Mana là sói” của Yukiko Tanemura kể câu chuyện về cô bé Mana được phân vai sói trong vở kịch “Chó sói và bảy chú dê con” của câu lạc bộ. Mana đã im lặng không nói câu nào từ giây phút biết mình sẽ đóng vai sói. Ngược lại với Mana là chú bé Kai, được phân vai dê nhưng ngay lập tức lên tiếng: “Ơ! Cô ơi, con muốn được đóng vai sói cơ!”. Trong hai phần ba cuốn truyện chúng ta sẽ thấy Mana chẳng có câu thoại nào. Đối ngược, Kai luôn tập câu thoại: “Gừ ràooo, ta là sói đây~”. Phải đến nút thắt của câu chuyện, khi Mana bỗng dưng biến mất trước buổi tổng duyệt vở kịch chúng ta mới dần hiểu ra ngọn ngành câu chuyện. Kai là người tìm thấy Mana trốn trong chiếc đồng hồ quả lắc trên sân khấu.
Kai gắt lên:
“Sói thì có gì không tốt nào?
Cậu thật là ích kỉ!
Sói có hàm răng sắc nhọn này, lại còn có thể gầm gừ rất đáng sợ nữa!
VÔ CÙNG NGẦU LUÔN.”
Mana hét đáp trả:
“Vì sói CHẲNG DỄ THƯƠNG GÌ CẢ”
Mana chỉ không thích làm sói, vì sói “chẳng dễ thương”. Nếu bạn là một người trưởng thành, đọc đến đây, bạn sẽ bật cười và thấy Mana quá sức dễ thương. Và hơn hết, bạn biết Mana vẫn còn nguyên vẹn sự ngây thơ và khả năng bộc lộ cảm xúc. Đã lâu lắm rồi phải không, bạn đã không hét lên với ai cả. Khi không thích điều gì, bạn im lặng, giống cô bé Mana khi trước. Thật khó để nói ra mình khó chịu mà không bị đám đông phán xét. Hoặc đơn thuần, sinh ra bạn đã là người dễ xấu hổ. Bạn thật thừa thãi nếu không hòa vào một cuộc chuyện trò rôm rả. Bạn thật phiền phức nếu không có khuôn mặt vui vẻ tươi tỉnh bất kể bên trong bạn không vui hoặc bạn bẩm sinh có khuôn mặt như vậy. “Không ai thích người tiêu cực” – Bạn biết quá rõ ấy chứ, nhưng bạn đâu phải một cỗ máy cười. Và Mana đã hét lên, nhiều người lớn đôi khi cũng muốn hét lên, như Mana vậy. Và bạn có quyền làm điều đó, nếu cần thiết.
Ở một thái cực khác, bạn là kiểu người như Kai, luôn biết mình muốn gì và sẽ nói ra suy nghĩ của bản thân ngay tức khắc. Điều đáng quý ở Kai là sự dũng cảm và góc nhìn rộng mở. Ai cũng bảo sói xấu xí và gian ác nhưng Kai cho rằng sói rất ngầu từ cái răng sắc đến tiếng gầm gừ đáng sợ. Cậu thích làm sói, điều ấy chẳng có gì sai cả, ngay cả khi ai cũng bảo cậu là dê cơ mà, hãy làm phận sự của một con dê đi. Nhưng con dê cũng có quyền được mơ ước sống ngầu như một con sói. Và rõ ràng, sự thẳng thắng của Kai khiến cậu ngầu như một chú sói đích thực.
Thật may mắn khi hai đứa trẻ có thể giao tiếp với nhau, nói ra suy nghĩ của mình. Bước ngoặt ở đây là Mana và Kai quyết định đổi vai cho nhau. Mana làm dê và Kai làm sói đúng như nguyện vọng của chúng. Có điều, ô kìa bộ đồ sói quá rộng so với Kai còn bộ đồ dê lại quá chật với Mana. Hai đứa trẻ lăn ra cười. Hai đứa trẻ tưởng như rất khác nhau thực chất có chung vấn đề. Chúng đều có suy nghĩ khác với đám đông và rồi, khi được làm điều mình muốn, chúng mới nhận ra điều mình muốn đâu đồng nghĩa với điều thích hợp với bản thân.
Ngày biểu diễn, Mana quay lại làm sói, Kai làm dê. Và cả hai chẳng còn bất mãn nữa.
Ở đây, chúng ta nhận ra cuộc sống vốn thú vị vậy đó. Thực ra Mana vốn đã rất hợp làm sói còn Kai là chú dê chính hiệu. Mana có thể làm một cô bé sói rụt rè hết sức dễ thương còn Kai là một chú dê thẳng thắn dũng cảm. Ai bảo sói không dễ thương, ai bảo dê không dũng mãnh? Chúng ta luôn là những cá thể nhiều khía cạnh. Lớn lên rồi, hành trình của chúng ta luôn là quá trình nhìn ra những đặc tính trong mình và chấp nhận chúng.
Nhiều người sẽ bắt đầu nhắc tới khái niệm hướng nội hay hướng ngoại ở hai nhân vật nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên gắn những khái niệm này lên người khác hay chính bản thân. Chúng ta luôn là những thực thể rất riêng, không nên và cũng không cần dựa vào các định nghĩa để định hình cách sống. Dù bạn sinh ra là sói hay dê thì điều quyết định giá trị của bạn không nằm ở tên gọi mà là ở cách bạn nhìn nhận bản thân và sống hòa thuận với chính mình.
“Mana là sói” là cuốn truyện với cốt truyện nhẹ nhàng. Tác giả diễn tả tâm lý trẻ nhỏ chân thật và tinh tế bằng nét vẽ dễ thương đặc tả được cảm xúc của từng nhân vật cùng lời thoại dễ hiểu. Những biến chuyển tâm lý nhỏ trong Kai và Mana gần gũi với độc giả nhí, đồng thời nhắc nhớ người lớn về chính đứa trẻ trong mình.
Tôi đã không còn cho rằng mình là con dê giữa bữa tiệc của bầy sói. Tôi chỉ cho rằng tôi là tôi, tôi có thể tận hưởng bữa tiệc này theo cách của mình. Hoặc đơn giản là rời đi, tìm đến nơi mình thuộc về. Chúng ta luôn có thể lựa chọn cách sống, dù là Sói hay là Dê hay là bất cứ loài nào đi chăng nữa.
Người viết: Linh Trụ