Chuyện con ngựa và cái ghế

Ngày đăng: 21/02/2022

Con ngựa có bốn chân, cái ghế cũng có bốn chân. Nếu gặp người thô lỗ, cả con ngựa, cả cái ghế đầu mệt nhọc, khổ sở. Nếu gặp người ân cần, dịu dàng, con ngựa lẫn cái ghế đều vui vẻ, hạnh phúc. Con ngựa được mẹ sinh ra rồi sẽ chết đi, cái ghế được người thợ làm ra đến một ngày cũng hỏng, chúng đều sẽ được tái sinh trong một hình hài khác. Chỉ có điều, ngựa là ngựa, mà ghế là ghế. Đó là nội dung tóm tắt lại tác phẩm “Giống nhau nhỉ” của tác giả Gomi Taro.

Con người chúng ta cũng vậy, cùng chia sẻ vô vàn điểm giống nhau nhưng chẳng ai y hệt nhau. Đơn giản, chúng ta chính là những cá thể riêng biệt. Ví dụ, với đôi bàn tay, có người dùng để chơi đàn, có người dùng để vẽ, cũng có người đơn thuần dùng nó để vỗ về an ủi người khác. Cùng một định nghĩa “ước mơ” nhưng có người tìm đến cái lớn lao, có người lại vin vào những lẽ sống bình dị. Chúng ta giống nhau đấy mà cũng rất khác nhau.

Tại sao lại có thứ triết lý rất “người lớn” trong một câu chuyện rất “trẻ con”? Vậy thế nào là “người lớn”? Thế nào là “trẻ con”? Phải chăng chúng ta đã tự đóng khung và gọi tên mọi thứ để tìm kiếm quy chuẩn, để đánh giá và phán xét. Tranh truyện chẳng phải là thứ “người lớn” làm ra để “cho trẻ con” mà là câu chuyện, là cái nhìn, cách cảm của người này chia sẻ với người khác. Những đứa trẻ đọc tranh truyện, chúng tìm thấy niềm vui và niềm vui ấy không phải điều tác giả muốn ban phát trong tư cách một kẻ sống lâu hơn vài chục năm. Tác giả thuần túy là người kể chuyện, là một ai đó đang “phát tín hiệu” cho những người có chung “tần số”. Có lẽ, đó cũng là lý do chúng ta đồng cảm, vui buồn cùng buồn vui nằm trên trang giấy, bất kể là tranh truyện, tiểu thuyết, thơ hay dưới bất cứ một hình thức thể loại nào khác. Nghệ sĩ hẳn cũng là người kể chuyện, chỉ khác nhau ở chỗ họ kể bằng âm thanh, bằng bút vẽ, bằng ca từ, vũ điệu hay hình thể, phim ảnh.v.v..

Không chỉ người làm nghệ thuật mới là nghệ sĩ. Khi sinh ra, mọi đứa trẻ đều là các nghệ sĩ bẩm sinh ngây thơ, tự do, vui vẻ. Chỉ có cuộc sống phân loại chúng, mạnh mẽ thuyết giảng cho chúng rằng chúng ta nên giống nhau, hãy mặc cái áo giống người kia, thành công như kẻ nọ, hạnh phúc phải gắn với các danh từ và tính từ đã được định sẵn. Không phải đứa trẻ nào cũng thích toán, cũng thích làm thơ, cũng thích chơi đàn, cũng là thần đồng, cũng xinh đẹp, giỏi giang. Đứa thì là con ngựa, đứa thì là cái ghế, giống nhau đấy nhưng không y hệt nhau. Con ngựa có thể hạnh phúc theo kiểu của ngựa, cái ghế có thể hạnh phúc theo kiểu của ghế cơ mà. Mỗi người đều có quyền chọn lựa trở thành người nghệ sĩ cho chính cuộc sống của mình, làm nó thú vị và đáng sống hơn.

Tranh truyện của Gomi Taro kể những câu chuyện đơn giản, ngắn gọn nhưng thú vị và giàu liên tưởng. Điều mà một Gomi Taro “mãi mãi tuổi lên 5” đã làm được là gửi đi suy nghĩ của mình tới những tri kỉ tí hon trên khắp thế giới.

Linh Trụ

Viết bình luận của bạn: